Đơn vị trực thuộc

QUY CHẾ

Tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý dự án bảo trì đường bộ

trực thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đăk Nông

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2680/QĐ-SGTVT, ngày 28/10/2016

 của Sở Giao thông vận tải tỉnh Đăk Nông)

 

Chương I

VỊ TRÍ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

 

Điều 1. Vị trí và chức năng

1.Ban Quản lý dự án bảo trì đường bộ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đăk Nông; tự bảo đảm kinh phí hoạt động; thực hiện chức năng quản lý các dự án thuộc nguồn vốn bảo trì đường bộ (Trung ương và địa phương), vốn sự nghiệp kinh tế giao thông và các nguồn vốn khác do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Sở Giao thông Vận tải về các hoạt động của mình; tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các Quốc lộ ủy thác, hệ thống đường tỉnh và các đường khác do Sở Giao thông Vận tải giao;

          Được thực hiện quản lý dự án, tư vấn giám sát các dự án bảo trì đường bộ, khắc phục hậu quả thiên tai, an toàn giao thông và các công trình khác do Sở Giao thông Vận tải giao

2. Ban Quản lý dự án bảo trì đường bộ có tư cách pháp nhân, có con dấu và mở tài khoản riêng để hoạt động theo quy định của pháp luật. Ban chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Sở Giao thông Vận tải; đồng thời chịu sự kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các phòng chuyên môn thuộc Sở và các đơn vị có liên quan đến hoạt động của Ban.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

  1. Phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở thực hiện nhiệm vụ quyền hạn do Sở Giao thông vận tải giao, thay mặt Sở Giao thông vận tải (chủ đầu tư) tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của chủ đầu tư về quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án thuộc nguồn vốn bảo trì đường bộ, vốn sự nghiệp kinh tế giao thông và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.

2. Lập hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu các dự án thuộc nguồn vốn bảo trì đường bộ, vốn sự nghiệp kinh tế giao thông và các nguồn vốn khác do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

3. Đàm phán, thương thảo và trình Chủ đầu tư ký hợp đồng; thanh toán, quyết toán và thanh lý hợp đồng với các nhà thầu theo quy định của Nhà nước.

4. Tổ chức quản lý dự án, giám sát thi công, hồ sơ công trình, nghiệm thu và bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng theo quy định của Nhà nước; đồng thời thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo theo quy định.

5. Kiểm tra, giám sát, nghiệm thu tháng công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; tổ chức Hội đồng nghiệm thu quý, năm công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên.

6. Thực hiện công tác tuần kiểm đường bộ theo quy định.

7. Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và pháp luật về nhiệm vụ được giao hoặc được ủy quyền. Chịu sự kiểm tra giám sát của các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Sở Giao thông vận tải.

8. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về hoạt động của Ban với Sở Giao thông vận tải và các cấp có thẩm quyền theo quy định, đúng chế độ.

9. Xây dựng Quy định về số lượng biên chế; phân công chế độ trách nhiệm đối với các phòng chuyên môn và các cá nhân thuộc Ban Quản lý dự án bảo trì trên tinh thần tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

10. Quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế và tài sản của Ban Quản lý dự án bảo trì; thực hiện chế độ tiền lương, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ đãi ngộ, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật… đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý dự án bảo trì; quản lý thu, chi tài chính hoạt động của Ban theo đúng quy định hiện hành và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền đối với toàn bộ công tác tài chính, kế toán của Ban.

Chương II

CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế

Tùy theo nhu cầu công việc của Ban Quản lý dự án bảo trì ở từng thời điểm, trước mắt cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý dự án như sau:

1. Lãnh đạo Ban

a) Ban quản lý dự án bảo trì đường bộ có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc.

b) Giám đốc Ban Quản lý dự án bảo trì đường bộ là người đứng đầu cơ quan, chịu trách nhiệm trước Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc sở và trước pháp luật trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực bảo trì đường bộ và các công việc khác được Giám đốc sở giao hoặc ủy quyền.

c) Phó Giám đốc Ban quản lý dự án là người giúp Giám đốc chỉ đạo một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Ban và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Ban vắng mặt, một Phó Giám đốc Ban được Giám đốc ủy quyền điều hành các hoạt động của Ban.

d) Việc bổ nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc Ban do Giám đốc Sở Giao thông Vận tải quyết định theo tiêu chuẩn chức danh trên cơ sở các quy định của pháp luật. Việc miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật và chế độ chính sách khác đối với Giám đốc và Phó Giám đốc Ban thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Các phòng chuyên môn

a) Phòng Tổng hợp (Hành chính – Kế hoạch);

b) Phòng kỹ thuật.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật, từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với cấp trưởng, phó phòng do Giám đốc Ban quản lý quyết định sau khi có văn bản chấp thuận của Giám đốc Sở và Đảng ủy Sở Giao thông vận tải.

3. Số lượng người làm việc

Để đảm bảo điều kiện hoạt động và thực hiện nhiệm vụ được giao, trước mắt kế thừa bộ máy của Ban quản lý dự án 3 theo hướng tinh gọn, bảo đảm không tăng biên chế và số lượng người làm việc. Giám đốc Ban quản lý dự án có trách nhiệm sắp xếp, bố trí, quản lý số lượng người làm việc cho các phòng chuyên môn đảm bảo hoạt động có hiệu quả.

Việc tuyển dụng và quản lý cán bộ, viên chức và lao động phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc, tính chất và đặc điểm, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, cơ cấu ngạch viên chức theo quy định của pháp luật và phải do hội đồng xét tuyển của Sở Giao thông Vận tải quyết định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Ban Quản lý dự án bảo trì đường bộ đi vào hoạt động từ ngày 01/11/2016 và kế thừa toàn bộ hoạt động của Ban Quản lý dự án 3 đã và đang thực hiện trước đây. Ban Quản lý dự án 3 chấm dứt hoạt động kể từ ngày 31 tháng 10 năm 2016.

 2. Ban Quản lý dự án bảo trì đường bộ; các phòng chuyên môn thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đăk Nông và các đơn vị liên quan có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

3. Trong quá trình thực hiện quy chế này, nếu có khó khăn vướng mắc, Ban Quản lý dự án bảo trì đường bộ kịp thời tổng hợp, đề xuất Sở giao thông Vận tải xem xét sửa đổi, bổ sung (qua Văn phòng Sở tổng hợp) phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và tình hình thực tế./.

Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
6
0
4
4
7
9

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2